50 Bis Yesin, P. Phương Sài, Nha Trang, Khánh Hòa Làm việc từ Thứ 2 - 7: 7h30 - 17h30

Đăng bởi: Quản trị viên KIẾN THỨC VỀ VISA

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 

     Chiều ngày 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

     Luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh

     Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) xuất phát từ các yêu cầu của việc luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan mới được ban hành, cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

     Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho hay, Dự thảo Luật sửa đổi 18 Điều, bổ sung 03 Điều của Luật số 47. Cụ thể, luật hóa việc cấp thị thực điện tử và việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

     Bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ, nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình bày Tờ trình Dự án Luật 

     Quy định cấp thị thực theo danh sách đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.

     Quy định các trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực (có giấy phép đầu tư, giấy phép lao động hoặc sống cùng thân nhân).

     Bổ sung 01 điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực (nước đó phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam). Bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

     Sửa đổi, bổ sung về ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài và luật sư nước ngoài.

     Sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng: Nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên. Dự thảo Luật cũng phân loại các nhà đầu tư theo 04 mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp.

     Quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng thời hạn thị thực. Riêng thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày.

     Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định: Việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cấp chứng nhận tạm trú qua Cổng kiểm soát tự động; người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển có nhu cầu đến các địa điểm khác của Việt Nam và cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam.

     Kiến nghị trình Quốc hội xem xét thông qua Luật theo quy trình tại một kỳ họp

     Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng – An ninh tán thành với sự cần thiết ban hành Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 (bổ sung 3 điều, sửa đổi 18 điều) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật số 47 còn nhằm thể chế hóa chủ trương đối ngoại của Đảng; để bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại đã được ký kết, gia nhập trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.

     Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Việc trình Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 47 tại kỳ họp thứ 8 sẽ tạo được sự thống nhất, đồng bộ về quy định pháp luật và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo quy trình một kỳ họp.

     Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật như bổ sung trường hợp chính đáng được chuyển đổi mục đích thị thực theo điều kiện rõ ràng; tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định; tán thành với việc bổ sung quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử và giao Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh, xuất cảnh…. Bên cạnh đó, đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, mà đề nghị giữ nguyên quy định về đơn phương miễn thị thực tại khoản 1 Điều 13 của Luật số 47.

     Nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019

     Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, nhất trí với nhiều ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, cho rằng dự thảo luật đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để xem xét thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp. Tuy nhiên dự án luật này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét nội dung vừa xem xét bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật

     Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra sơ bộ, đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trong thời gian gấp bảo đảm đầy đủ chặt chẽ. Nhất trí bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47, bên cạnh đó cũng cần cân nhắc đến tính khả thi, hợp lý.

     Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý với các nội dung sửa đổi bổ sung của dự án Luật chủ yếu tập trung vào việc luật hóa quy định về cấp thị thực điện tử mà Quốc hội đang cho thí điểm thực hiện; sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh, tạm trú của người nước ngoài…cần phải bảo đảm tính phù hợp, khả thi, chặt chẽ, không làm ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền quốc gia. Do đó cần phải rà soát các điều kiện miễn thị thực khi vào các khu kinh tế ven biển, thời hạn thị thực, các trường hợp đơn phương miễn thị thực, về kí hiệu, thời hạn thẻ tạm trú, làm rõ cơ sở của việc nâng thời hạn thẻ tạm trú cho nhà đầu tư…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đại tướng Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận

     Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan hữu quan trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, có báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới; đồng thời bổ sung dự án Luật này vào chương trình, xây dựng luật pháp lệnh năm 2019.

Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

 

Bài viết cùng chủ đề